Nỗi đau kéo dài sau vụ rơi trực thăng rúng động thế giới

Chiếc trực thăng được đánh giá có độ an toàn cao gặp nạn khiến danh thủ bóng rổ Kobe Bryant tử nạn cách đây 3 năm. Trách nhiệm trong vụ việc này tới nay đã được xác định.

Nỗi đau kéo dài sau vụ rơi trực thăng rúng động thế giới-1
Mảnh vỡ của trực thăng chở danh thủ bóng rổ Kobe Bryant gặp nạn vào tháng 1/2020. Ảnh: USA Today.


Cách đây hơn 3 năm, người hâm mộ thể thao thế giới đã sốc khi nghe tin ngôi sao bóng rổ Kobe Bryant và 8 người khác tử vong do tai nạn trực thăng.

Sau quãng thời gian bàng hoàng, nhiều câu hỏi và nghi vấn đã được đặt ra, rằng tại sao một lộ trình thường ngày của ngôi sao bóng rổ lại kết thúc bằng một thảm kịch.

Đầu năm 2021, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã công bố báo cáo dài hơn 1.800 trang về các bằng chứng thu thập được trong cuộc điều tra, bao gồm lời phỏng vấn, email, tin nhắn, hình ảnh, báo cáo khí tượng.

Cuộc điều tra của NTSB đi đến kết luận rằng lỗi của phi công là nguyên nhân lớn nhất xảy ra vụ tai nạn, theo NBC.

“Điều tra về tai nạn tương tự việc xếp những câu đố lại với nhau”, Anthony Brickhouse, cựu điều tra viên NTSB, cho biết.

Chuyến bay định mệnh

Vào lúc 8h39 ngày xảy ra tai nạn, phi công Ara Zobayan thông báo cho nhóm điều phối chuyến bay của Kobe Bryant rằng trực thăng sẵn sàng cất cánh.

30 phút sau, máy bay đã cất cánh từ sân bay quận Cam đến Camarillo, California.

Chiếc trực thăng bay tiếp về phía bắc khoảng 15’ trước khi giảm tốc độ và bay vòng Glendale để nhường không gian cho các chuyến bay khác. Sau đó, máy bay men theo đường quốc lộ đến ngọn đồi gần Calabasas, giữ độ cao cách mặt đất 120-180 m. Phi công trên máy bay đã xác nhận với trạm kiểm soát không lưu rằng sẽ duy trì độ cao này cho đến Camarillo, USA Today cho biết.


Nỗi đau kéo dài sau vụ rơi trực thăng rúng động thế giới-2
Lộ trình chuyến bay chở cố danh thủ Kobe Bryant trước khi gặp nạn vào tháng 1/2020. Đồ họa: USA Today.


Trực thăng sau đó đã bay vào khu vực đồi núi, và tầm nhìn vào sáng hôm đó rất hạn chế.

Khi trạm kiểm soát không lưu liên lạc với ông Zobayan, ông nói rằng đang bay qua những tầng mây để lên độ cao 1.200 m. Tuy nhiên, máy bay khi đó chỉ cách mặt đất 426 m, trước khi nghiêng về bên trái và lao xuống, đâm vào ngọn đồi.

“Việc một khu vực có kết hợp giữa tầng địa hình thấp và cao là rất rủi ro”, Jack Cress, cựu phi công trực thăng thuộc thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết.

Mẫu trực thăng từng được chọn để đón Nữ hoàng Elizabeth II

Bryant thường xuyên di chuyển bằng trực thăng trong và sau sự nghiệp chơi bóng, nhằm tránh ùn tắc ở Los Angeles. Anh thường thuê các chuyến bay của công ty Island Express Helicopters.

Sikorsky S-76B, loại máy bay chở anh và gặp tai nạn năm 2020, cũng là mẫu trực thăng đưa anh đến thi đấu trận cuối cùng cho Los Angeles Lakers vào năm 2016.

Ông Jack Cress nói loại máy bay này được các phi công đánh giá cao và có kết quả an toàn sau hàng chục năm sử dụng. Ông cho biết đây là trực thăng được lựa chọn để chở cố Nữ hoàng Anh Elizabeth II cùng nhiều chức sắc khác kể từ năm 2009.

“Sikorsky S-76 không thể cứ thế mà rơi xuống”, phi công Kurt Deetz, người từng chở Kobe Bryant trên chiếc trực thăng này, nói với CNN năm 2020.

Trong quá trình thu thập chứng cứ điều tra, báo cáo sơ bộ của NTSB cho biết “không có bằng chứng về sự cố không rõ nguyên nhân trong máy bay”.


Nỗi đau kéo dài sau vụ rơi trực thăng rúng động thế giới-3
Mẫu trực thăng Sikorsky S-76B, cùng loại với trực thăng chở cầu thủ Kobe Bryant gặp tai nạn năm 2020. Ảnh: USA Today/AP.

“Tôi không thấy điều gì nói rằng có vấn đề về mặt vật lý với chiếc trực thăng có thể gây tai nạn”, ông Brickhouse nói.

Tuy nhiên, trực thăng chở cố danh thủ Bryant lại thiếu hai bộ phận quan trọng, gồm hộp đen và hệ thống cảnh báo địa hình (TAWS) - thứ giúp thông báo cho phi công khi máy bay tiến gần mặt đất.

Thời tiết xấu

Một nhân chứng cho biết khu vực xảy ra vụ tai nạn thường có hiện tượng sương mù từ bờ biển.

“Chúng tôi nghe tiếng trực thăng bình thường, nhưng không thể nhìn thấy nó vì sương mù dày đặc và mây bay thấp”, một nhân chứng khác cho biết. “Tôi tự hỏi tại sao trực thăng lại bay thấp trong điều kiện thời tiết xấu như vậy".

Tình trạng thời tiết là một điểm quan trọng trong báo cáo của NTSB. Ủy ban đã cung cấp 394 trang về báo cáo khí tượng, gồm hình ảnh vệ tinh và dữ liệu bản đồ.

Đội ngũ điều phối chuyến bay của Kobe Bryant cũng đã thảo luận về tình hình thời tiết trước khi trực thăng cất cánh, và quyết định thực hiện chuyến bay này.

Thời tiết cũng là yếu tố được đưa vào đơn kiện của vợ Kobe Bryant và gia đình các nạn nhân khác. Họ cho rằng ông Zobayan không nên bay trong thời tiết xấu, và công ty Island Express Helicopters phải có quy trình ngăn việc này.

Trách nhiệm lớn của phi công

Kết luận điều tra của NTSB cho rằng phi công đã ra quyết định tồi tệ khi bay quá nhanh vào khu vực tầm nhìn hạn chế.

Ông Zobayan đã có bằng phi công vào năm 2001. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, ông đã có hơn 8.500 giờ bay, bao gồm hơn 1.200 giờ trên chiếc Sikorsky S-76.


Nỗi đau kéo dài sau vụ rơi trực thăng rúng động thế giới-4Lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường chiếc Sikorsky S-76B rơi. Ảnh: AP.


Ông Kurt Deetz nói trong những năm qua, chỉ có mình và ông Zobayan là 2 phi công đã chở Kobe Bryant thông qua hãng Island Express Helicopters.

Dù một lần bị Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) khiển trách vì bay vào không phận tấp nập mà không được phép, ông Zobayan nhìn chung được đồng nghiệp đánh giá là người có năng lực và thể hiện khả năng phán đoán đúng đắn trong các buổi huấn luyện.

Các điều tra viên đã đặt nghi vấn ông Zobayan có bị mất phương hướng do sương mù hay không. Tài liệu của NTSB đề cập đến khả năng ông gặp phải “ảo giác somatogravic” - trong trường hợp này là ông Zobayan sẽ cảm thấy rằng trực thăng đang bay lên, dù thực tế nó đang lao vào sườn đồi.

NTSB cũng cho rằng phi công có thể "tự tạo áp lực" rằng phải hoàn thành chuyến bay để làm hài lòng Kobe Bryant, dù dựa trên điều kiện thời tiết, việc quay đầu được xem là lựa chọn an toàn hơn.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/noi-dau-keo-dai-sau-vu-roi-truc-thang-rung-dong-the-gioi-post1419300.html

Rơi trực thăng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.