Hủ tục cắt bỏ âm vật tàn nhẫn với bé gái ở Singapore

Trong đạo Hồi, nam giới đều phải cắt bao quy đầu. Nhiều cộng đồng Hồi giáo tin rằng nữ giới cũng nên làm điều tương tự.

Zing trích dịch bài đăng từ South China Morning Post, đề cập đến hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ của trẻ em gái trong cộng đồng Hồi giáo.

Rizman từng coi việc phụ nữ cắt bỏ bộ phận sinh dục đơn giản là “điều phải làm”. Em gái của anh bị cắt từ khi còn nhỏ. Rizman vẫn nhớ những lần bố mẹ bàn bạc về chuyện đó và ngày họ đưa em gái anh đến phòng khám để phẫu thuật.

Sau khi lập gia đình và đón một bé gái chào đời, vợ chồng Rizman lập tức vấp phải những câu hỏi của bố mẹ hai bên rằng bao giờ họ mới đưa con đi “sunat” - thuật ngữ tiếng Malaysia nhằm ám chỉ việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, đôi khi là cắt bao quy đầu ở nam giới.

“Đến lúc ấy, chúng tôi mới nhận ra hoạt động đó là một thủ tục không thể thiếu của tôn giáo. Vì vậy, khi con gái được khoảng 3 tháng tuổi, chúng tôi đã đưa con bé đi phẫu thuật”, Rizman (34 tuổi) - chuyên gia truyền thông - nói.

Hủ tục cắt bỏ âm vật tàn nhẫn với bé gái ở Singapore-1

Nhiều bé gái Hồi giáo được gia đình đưa đi thực hiện sunat từ khi mới lọt lòng. Ảnh: PRI.


Trong đạo Hồi, nam giới đều phải cắt bao quy đầu. Nhưng nhiều cộng đồng Hồi giáo ở một số thành phố tin rằng nữ giới cũng phải làm điều tương tự.

Năm 2014, một bác sĩ người Hồi giáo đã thực hiện sunat cho con gái của Rizman. Người phụ nữ này nói rằng cuộc phẫu thuật sẽ được tiến hành rất nhanh và “chỉ cần cắt bỏ một chút là ổn”.

Rizman nói rằng mọi thứ được thực hiện chuyên nghiệp và hợp vệ sinh. Vị bác sĩ cũng cầu nguyện trước khi cầm dao, giúp Rizman cảm thấy an tâm phần nào.

Theo thời gian, Rizman trở nên tò mò về sunat và thắc mắc vì sao buộc phải thực hiện nó. Chuyên gia truyền thông cho biết anh không phải người sùng đạo nhưng anh biết đạo Hồi “là một tôn giáo có lý do xác đáng cho mọi hành vi nên hay không nên làm”.

Nhưng khi càng nghiên cứu sâu hơn, Rizman cảm thấy lo lắng vì không có câu trả lời xác đáng cho sunat.

Hành vi tàn nhẫn

Nhiều người khẳng định việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ là điều bắt buộc. Một số khác lại phản đối, cho rằng sunat thiên về tập tục văn hóa hơn là nghi lễ tôn giáo và không cần thiết.

Rizman đồng tình với quan điểm thứ hai. Việc hai vợ chồng anh đưa con gái đi cắt bỏ bộ phận sinh dục có phần “tàn nhẫn”.

Hủ tục cắt bỏ âm vật tàn nhẫn với bé gái ở Singapore-2
Phụ nữ Hồi giáo bị cộng đồng đánh giá “có khả năng lăng nhăng” từ khi mới chào đời. Ảnh: Toronto Star.


“Tôi đọc ở đâu đó tuyên bố rằng phần bị cắt đi sẽ giảm bớt khoái cảm của nữ giới. Theo đó, đứa trẻ lớn lên sẽ không đam mê nhục dục hay lăng nhăng, đi lang chạ”, anh nói.

Quan niệm này khiến Rizman cảm thấy khó chịu bởi con gái anh bị cộng đồng đánh giá “có khả năng lăng nhăng” từ khi mới chào đời.

Đối với nhiều tổ chức y tế phương Tây, bất kỳ thủ thuật nào liên quan đến việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, dù gây thương tích, cắt một phần hay toàn bộ bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ, đều gọi là “cắt âm vật”.

Nếu không nhằm phục vụ mục đích y tế, hành vi này bị Liên Hợp Quốc coi là vi phạm quyền của trẻ em gái và phụ nữ. Nó được coi bất hợp pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi nó có thể gây ra các vấn đề lâu dài về đời sống tình dục, sinh nở và sức khỏe tâm thần.

Hủ tục cắt bỏ âm vật tàn nhẫn với bé gái ở Singapore-3
Theo quan niệm của nhiều người Hồi giáo, đứa trẻ đã thực hiện sunat khi lớn lên sẽ không đam mê nhục dục. Ảnh: SCMP.


Không rõ tập tục sunat xuất hiện ở Singapore từ khi nào. Tuy nhiên, phụ nữ theo đạo Hồi Malay, chiếm 7% dân số (khoảng 420.000 người), là đối tượng dễ bị ép buộc cắt bộ phận sinh dục nhất. Theo một cuộc khảo sát của UNICEF năm 2016, ước tính khoảng 60% nữ giới đã bị cắt âm vật.

Miranda Dobson - Giám đốc truyền thông cấp cao tại Orchid Project, một tổ chức từ thiện của Anh nhằm chấm dứt nạn cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ - cho biết nhiều người tin rằng tập tục này chỉ có ở vùng xa xôi châu Phi hoặc những nơi nghèo đói, dân trí thấp chứ không phải một thành phố phát triển như Singapore.

“Cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ là một vấn đề toàn cầu, gây ảnh hưởng đến trẻ em gái, phụ nữ trên khắp châu Phi, châu Á, Trung Đông và trong cộng đồng người Hồi giáo toàn cầu. Nó tác động đến nữ giới ở mọi trình độ học vấn, sắc tộc và tầng lớp”, bà nói.

Nhiều người địa phương ủng hộ sunat ở Singapore cho rằng thủ thuật cắt bỏ “chỉ một phần nhỏ” âm vật sẽ chẳng gây tổn hại đến các bé gái. Thế nhưng, Dobson khẳng định nó luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ có thể dẫn đến các tác động về cả thể chất và tâm lý, chẳng hạn như mất máu nghiêm trọng, sẹo, nhiễm trùng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và trầm cảm”, bà nói.

Hiện Singapore không có bộ luật nào chống lại việc cắt bỏ bộ phận sinh dục. Các nhà vận động và tổ chức vấp phải sự im lặng từ chính phủ, theo Dobson.

Trong khi đó, cách đây 7 năm, Hội đồng Hồi giáo của Singapore (MUIS) đưa ra tuyên bố rằng sunat là thủ thuật bắt buộc áp dụng cho cả nam lẫn nữ.

Thủ tục bắt buộc của tôn giáo

Saza Faradilla - cô gái Singapore sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo đạo Hồi - chỉ biết mình bị phẫu thuật cắt âm vật khi đã trưởng thành.

Hủ tục cắt bỏ âm vật tàn nhẫn với bé gái ở Singapore-4

Nhiều cô gái trẻ bàng hoàng khi biết mình bị phẫu thuật từ khi còn quá nhỏ. Ảnh: Shutterstock.


Năm 2016, vào sinh nhật 2 tuổi của em họ cô, một người họ hàng thản nhiên kể với Faradilla rằng con bé mới được đưa đi thực hiện sunat vào tuần trước.

“Khi tôi tỏ ra tức giận về hành vi đó, người này cho biết chuyện tôi cũng bị cắt từ nhỏ, Tôi bàng hoàng. Suốt chừng ấy năm, tôi không hề hay biết cuộc phẫu thuật đó đã được thực hiện trên cơ thể mình”, cô kể lại.

Bố mẹ Faradilla khẳng định sunat là một thủ tục bắt buộc trong tôn giáo và họ làm vậy tất cả vì lợi ích của cô. Cô gái trẻ sốc khi nhận ra những bé gái bị cắt bỏ âm vật là do chính phụ huynh đề nghị.

Sau đó, Faradilla dành phần lớn thời gian ở đại học để nghiên cứu và phát triển luận án về nạn cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ tại Singapore, đồng thời tổ chức các chiến dịch vận động chống lại hủ tục này.

Rizman đã thuyết phục thành công em gái anh không cắt bộ phận sinh dục của con cô ấy. Tuy nhiên, anh chưa dám công khai thảo luận về vấn đề này với những người khác trong cộng đồng Hồi giáo.

“Bất kỳ cuộc thảo luận nào về sunat đều có thể khiến gia đình tôi bị tẩy chay, đẩy ra rìa xã hội và bị coi là gây ảnh hướng xấu trong cộng đồng”, anh nói.

Hủ tục cắt bỏ âm vật tàn nhẫn với bé gái ở Singapore-5
Bất kỳ ai lên tiếng phản đối sunat đều có nguy cơ bị tẩy chay khỏi cộng đồng. Ảnh: Getty Images.


Nếu có thêm con gái, Rizman chắc chắn sẽ không bao giờ đưa con đi phẫu thuật cắt bộ phận sinh dục. Anh hy vọng vào một lập trường công khai, vững chắc từ Hội đồng MUIS.

“Tôi không nghĩ bé gái nên chịu bị cắt âm vật chỉ vì chúng là trẻ sơ sinh không thể phản kháng”, anh cho biết.

Các nhà chức trách lo ngại rằng nếu việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ không còn được thực hiện dễ dàng, các phòng khám sẽ chuyển sang hoạt động “chui”, đồng nghĩa là kém vệ sinh hơn và thủ thuật tàn bạo hơn.

Tuy nhiên, nhà hoạt động Faradilla không đồng tình với luận điểm này. “Thậm chí thủ thuật sunat sẽ bị xóa sổ nếu các nhà chức trách chống lại được những lý do phi lý của nó”, cô nói.



Theo Zing 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/hu-tuc-cat-bo-am-vat-tan-nhan-voi-be-gai-o-singapore-post1160096.html?fbclid=IwAR2OoQ5hn2cI-LpFsSDmNaY51BWbTYA9nYcuedaJb0Yfd2xcOBt6yc8cA-0

bộ phận sinh dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.