Chị dâu thay chồng nuôi em ăn học 10 năm, ngày lên xe hoa nghe câu thủ thỉ của chị, tôi bật khóc

Lời chị nói làm tôi khóc nức nở như đứa trẻ. Rồi cưới được vài tháng tôi có bầu. Chị dâu biết tin bắt xe đi gần 200 cây số mang cả thùng đồ ăn tới cho tôi tẩm bổ.

Nhà tôi nghèo, bố mẹ chỉ có 2 anh em tôi. Anh trai hơn tôi hơn 1 giáp, bố mất sớm còn mẹ thì ốm yếu nên anh học hết 12 thì nghỉ đi làm thuê phụ giúp mẹ.

25 tuổi anh tôi kết hôn. Hơn năm sau, chị dâu sinh cho bố mẹ tôi một bé trai đầu lòng rất kháu khỉnh. Buồn rằng bệnh của mẹ tôi ngày càng nặng, vợ chồng anh chị phải lo toan cho cả gia đình, quanh quẩn nuôi lợn, chăn gà, làm ruộng vất vả lắm. Bất hạnh hơn cả, cưới nhau vài năm anh trai tôi đột ngột qua đời vì tai nạn khiến cả nhà suy sụp hẳn. Mẹ tôi đau lòng quá cũng mất sau anh chưa đầy 1 tháng. Lúc đó tôi thấy cuộc đời mình giống như rơi vào tận cùng của bi kịch. Nhà chỉ còn chị dâu, tôi và đứa cháu bé bỏng vừa chậm chững biết đi.

Tôi nhớ mãi hồi đó cứ chiều chiều chị dâu lại bế con, dắt tôi đứng trước ban thờ của bố mẹ và chồng khóc:

“Bố mẹ và anh yên tâm, con sẽ chăm sóc em út và cháu nên người”.

Từ đó chị dâu giống người mẹ thứ 2 của tôi, lo cho tôi từ miếng ăn giấc ngủ, học hành. Thương chị vất vả, tốt nghiệp cấp 3 dù đỗ đại học tôi vẫn định nghỉ để cùng chị lo kinh tế nhưng chị bảo:

 “Em phải học, sau này mới thoát ly khỏi cuộc sống nông thôn vất vả này. Chị vất vả mấy cũng đều cố gắng vượt được. Nhất định chị sẽ thực hiện được lời hứa với bố mẹ và anh trai em, lo cho em học hành thành đạt”.

Vậy là tôi vào đại học, tháng nào chị cũng gửi tiền đều đặn, thỉnh thoảng còn xuống tận kí túc xá xem em chồng ăn ở, học hành thế nào. Lần nào về chị cũng dúi thêm vào tay tôi đôi triệu bảo:

“Em gày quá, phải ăn uống tẩm bổ thêm mới có sức học. Tiền này em giữ để mua thêm thức ăn. Thiếu chị sẽ gửi thêm, không được tiết kiệm quá”.

Tôi thương chị lắm, lúc ra trường nhận được tháng lương đầu tiên liền mua tặng chị chiếc áo dài để khi nào chị đi với hội phụ nữ thì mặc. Chị cứ vuốt ve chiếc áo rồi đến ban thờ bố mẹ và anh tôi lầm rầm khấn vái:

“Em Ngân tốt nghiệp đi làm rồi, bố mẹ và anh mừng chị em con nhé”.

Đi làm thi thoảng tôi biếu chị tiền nhưng chị đều từ chối:

“Chị có tiền. Em giữ tiền tiết kiệm để sau còn xây dựng gia đình, lo cho tổ ấm mới”.

Năm 27 tuổi, tôi kết hôn. Hôm cưới, chị dâu mừng tôi 5 chỉ vàng. Trước lúc tôi lên xe hoa về nhà chồng, chị ôm tôi thủ thỉ:

"Em nhớ phải thật hạnh phúc đấy. Lúc nào mệt mỏi, buồn phiền cứ về nhà với chị. Nhà này mãi mãi là nhà của em”.

Chị dâu thay chồng nuôi em ăn học 10 năm, ngày lên xe hoa nghe câu thủ thỉ của chị, tôi bật khóc-1

Lời chị nói làm tôi khóc nức nở như đứa trẻ. Rồi cưới được vài tháng tôi có bầu. Chị dâu biết tin bắt xe đi gần 200 cây số mang cả thùng đồ ăn gồm cả gà, vịt, chim câu, trứng ngỗng tới cho tôi tẩm bổ. Đến bố mẹ chồng tôi còn bảo:

“Con thật có phước mới có được người chị dâu hiền hậu, giàu lòng yêu thương em chồng như thế. Trên đời này không có nhiều người như vậy đâu con. Nhớ phải trân trọng chị con nhé”.

Nghỉ lễ 30/4 này tôi định về thăm chị nhưng chị dâu lại gọi điện bảo:

“Em mới có bầu được 2 tháng không nên đi xa ảnh hưởng tới cái thai. Đợi vài hôm nữa chị tát ao sẽ mang cá lên cho em. Ao nhiều cá chép, bà bầu ăn an thai, tốt lắm”.

Chị nói vậy nhưng trong lòng tôi vẫn muốn về quê thăm chị cho đỡ nhớ mà cả chị và nhà chồng đều khuyên tôi mới mang thai không nên đi xa nên chưa dám quyết định mọi người ạ.

Đi lại nhiều khi mang thai 3 tháng đầu có sao không?

Thói quen vận động đi lại thường được khuyến khích vì giúp cơ thể mẹ bầu dẻo dai hơn. Đi lại cũng giúp cơ thể đốt cháy lượng calo, phòng béo phì trong thai kỳ. Tuy nhiên, đối với các mẹ bầu 3 tháng đầu, có nên đi lại nhiều hay không còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe. Bầu 3 tháng đầu thường chỉ nên di chuyển một quãng đường ngắn, khoảng từ 15 – 20 phút và 3 ngày/tuần.

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi mới hình thành, vẫn chưa bám chắc vào tử cung người mẹ. Nếu đi lại quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ sảy thai. Ngoài ra khi di chuyển bằng các phương tiện đi lại, mẹ bầu có thể cảm thấy mệt mỏi và nghén nhiều hơn do nhạy cảm với mùi xăng. Việc di chuyển nhiều trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như:

- Đi đường xóc, ổ gà: Địa hình di chuyển gập ghềnh dễ khiến mẹ bầu ngã xuống đường gây sảy thai.

- Phanh gấp: Khi đi lại nhiều trên các phương tiện giao thông, nguy cơ phanh gấp dễ khiến bụng và tử cung mẹ bầu bị chèn ép, nguy hiểm cho thai nhi.

- Đối với những thai phụ say xe, say sóng: Việc đi lại nhiều bằng các phương tiện như xe buýt, xe khách,… dễ dẫn đến tình trạng nôn nhiều, mất nước nguy cơ suy kiệt cơ thể.

Tóm lại mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu nên hạn chế đi lại nhiều. Điều này không có nghĩa mẹ bầu không được đi đâu, điều quan trọng mẹ bầu biết cách di chuyển đúng cách trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất này.

 

Theo Báo PNTĐ

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doisonggiadinh.baophunuthudo.vn/goc-khuat/chi-dau-thay-chong-nuoi-em-an-hoc-10-nam-ngay-len-xe-hoa-nghe-cau-thu-thi-cua-chi-toi-bat-khoc-c74a32573.html

em chồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.